Ý thức được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học sinh viên, ngay từ những ngày đầu thành lập, ngành Tâm lý học đã rất chú trọng đến phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Các sinh viên được khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học từ năm thứ 2 và được các giảng viên trong Bộ môn tận tình hướng dẫn. Đây là tiền đề rất tốt để sinh viên làm quen và rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, đặc biệt là các sinh viên khá, giỏi, có nguyện vọng làm khóa luận tốt nghiệp.

Bám sát định hướng nghiên cứu khoa học của Học viện, hàng năm ngành Tâm lý học đều tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học cấp học viện, cấp khoa đồng thời tổ chức hội thảo sinh viên nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, Ngành cũng đều đặn tổ chức các buổi toạ đàm và sinh hoạt chuyên đề về các chủ đề liên quan đến các học phần trong chương trình đào tạo. 

Với mục đích kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để sinh viên vừa hiểu rõ và áp dụng được các kiến thức Tâm lý học vào thực tiễn, định hướng nghiên cứu của ngành gắn chặt với các nội dung học phần trong chương trình đào tạo và có ý nghĩa thực tiễn. Cụ thể như sau:

  • Nghiên cứu các hiện tượng tâm lý người: nhận thức, lứa tuổi, hành vi, nhân cách… 
  • Nghiên cứu lý thuyết, phương pháp, kỹ thuật can thiệp, trị liệu;
  • Nghiên cứu các rối nhiễu tâm lý: nhận thức, cảm xúc, hành vi;
  • Nghiên cứu tâm lý trong các lĩnh vực: giáo dục, kinh tế, xã hội, tôn giáo, văn hoá…
  • Nghiên cứu ứng dụng tâm lý học trong tham vấn, hỗ trợ, can thiệp, trị liệu.

Sau 4 năm thành lập, sinh viên ngành Tâm lý học đã tích cực tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học các cấp và đạt được những kết quả nhất định:

  • 06 đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa đã nghiệm thu và đạt kết quả tốt (01 đề tài xếp loại xuất sắc)
  • 02 hội thảo sinh viên nghiên cứu khoa học với hơm chục báo cáo tham luận được tổ chức thành công với các chủ đề: “Rối loạn tâm lý ở trẻ em giai đoạn ruổi dậy thì” và “Chăm sóc sức khoẻ tâm thần ở thanh thiếu niên”
  • Tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề với các chuyên gia trong và ngoài nước: “Hướng dẫn một số kỹ năng thực hành nghề với thân chủ là trẻ em rối loạn phát triển” (Chuyên gia Nguyễn Hồng Lương – Giám đốc trung tâm Giáo dục Anh và Em); “Psycho – Sosical issues among young people” (Chuyên gia B.Tuyet Brown – Nhà tham vấn trị liệu làm việc tại Mỹ); “Chăm sóc sức khoẻ tâm thần” (Chuyên gia Jill Chonody – Đại học Boise State, Mỹ).

Các buổi tổng kết, báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học và sinh hoạt chuyên đề thực sự là những buổi sinh hoạt học thuật có ý nghĩa đối với toàn thể sinh viên ngành Tâm lý học. Đây vừa là cơ hội tốt để các bạn sinh viên được báo cáo kết quả nghiên cứu, vừa là dịp để các em được lắng nghe, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, thực hành nghề nghiệp với nhau và với các giảng viên và các chuyên gia trong và ngoài nước. 

Hiện nay, ngành Tâm lý học đã có sự cải tiến trong quy trình xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên. Cụ thể, ngành sẽ có thông tin về chương trình Nghiên cứu khoa học sinh viên cho phép sinh viên tự xác định đề tài sau đó gửi về khoa. Các đề tài nghiên cứu sẽ được gửi để lấy ý kiến ở cấp bộ môn, sau đó sẽ được thống nhất và phân công giảng viên hướng dẫn để giúp sinh viên hoàn thiện đề cương nghiên cứu trước khi gửi về khoa/Trường. Quá trình này cũng giúp sinh viên thuận lợi hơn khi bắt tay vào làm nghiên cứu ở các quy mô khác nhau.

Trao đổi của sinh viên ngành Tâm lý trong hội thảo sinh viên nghiên cứu khoa học 2023 (2 ảnh)

Bài trình bày tham luận hội thảo của sinh viên ngành tâm lý

PGS.TS. Trần Thị Mỵ Lương – Trưởng Bộ môn Tâm lý  phát biểu tại hội thảo sinh viên nghiên cứu khoa học

Diễn giả Tuyet Brown và Trưởng bộ môn Tâm lý trong buổi nói chuyện chuyên đề