Nội dung các chuyên đề tập trung vào việc rèn luyện các kỹ năng phát triển bản thân, kỹ năng định hướng nghề nghiệp, kỹ năng sống an toàn và lành mạnh, giáo dục giới tính, tình bạn, tình yêu tuổi học trò. 

Những buổi nói chuyện chuyên đề được tổ chức một cách linh hoạt, hiệu quả với những hoạt động sinh động hấp dẫn thu hút sự tham gia của người tham dự. Việc lựa chọn nội dung truyền thông sẽ được bàn bạc thống nhất giữa báo cáo viên Học viện và các Nhà trường để đảm bảo mang đến những nội dung truyền thông thiết thực nhất. Dưới đây là một số nội dung truyền thông đã được thực hiện trong năm 2023 của ngành Tâm lý học.

Truyền thông về Phòng chống bạo lực học đường

Tổ chức truyền thông chủ đề Phòng chống bạo lực học đường nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh giúp cho các em hiểu đúng, hiểu đủ về những hành vi bạo lực, cũng như hậu quả của nó mang lại. Từ đó các em có những hành vi tích cực trong mối quan hệ với bạn bè, biết tự bảo vệ bản thân và dám lên tiếng trước những hành vi bắt nạt học đường. Thông qua chuyên đề nhiều học sinh và cả các phụ huynh mới hiểu đôi khi những lời mắng nhiếc, sỉ vả, đay nghiến, chê bai, giễu cợt … có thể để lại hậu quả vô cùng to lớn, thậm chí có những học sinh không chịu đựng được mà tìm đến cái chết vô cùng thương tâm. Học sinh hiểu sâu sắc hơn việc giải quyết vấn đề bằng “nắm đấm” không giúp các con mạnh lên mà trái lại nó chỉ chứng tỏ các con đang bất lực, đang thất bại, khiến mọi người coi thường và xa lánh các con. Học sinh cũng hiểu được việc mình dám lên tiếng để bảo vệ bạn khi bạn bị bắt nạt thì đến một ngày nếu mình trở thành nạn nhân của bạo lực học đường thì chắc chắn sẽ có người dám đứng ra can ngăn và giúp đỡ mình.

Truyền thông về sức khoẻ sinh sản vị thành niên

Tổ chức truyền thông về chủ đề Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên nhằm nâng cao nhận thức và hướng đến việc hình thành những hành vi tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của các em học sinh. Thông qua buổi chia sẻ, các em học sinh được tháo gỡ những băn khoăn, thắc mắc mà không biết chia sẻ cùng ai. Những điều dễ đùa nhưng lại vô cùng khó nói ấy sẽ được giải đáp cởi mở dưới góc nhìn khoa học và phong cách dí dỏm giúp cho các em học sinh hiểu sâu sắc những biến đổi tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì. Từ đó, các em có những hành vi tích cực trong việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho bản thân để có cuộc sống an toàn và khoẻ mạnh. Hơn thế nữa, mỗi học sinh lại có thể trở thành một “tuyên truyền viên” để lan tỏa những hành vi tích cực ấy đến những người thân và các thành viên trong cộng đồng.

Có thể nói rằng, hoạt động truyền thông đã tạo ra những kết quả tích cực, giúp những người tham gia là các em học sinh, phụ huynh và giáo viên các nhà trường hiểu sâu sắc hơn về những nội dung kỹ năng được tuyên truyền. Hoạt động cũng thể hiện vai trò đóng góp của Học viện Phụ nữ Việt Nam nói chung và ngành Tâm lý học nói riêng đối với cộng đồng xã hội.