Tham gia sự kiện có: PGS.TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện; Ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội; Bà Phạm Thị Tình – Trưởng phòng Nhân sự – Công ty CP Quốc tế Nam Thành; Ông Nguyễn Trung Sỹ – Giám đốc Công ty CP Dịch vụ phần mềm WIS Việt Nam – WIS SOFTWARE. Cùng cán bộ phòng CTSV, giảng viên và sinh viên Học viện PNVN.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Trần Quang Tiến cảm ơn sự hiện diện của các chuyên gia về lao động, việc làm đã có mặt để chia sẻ những thông tin hữu ích đến các bạn sinh viên. Giám đốc khẳng định, ngoài nền tảng kiến thức chuyên ngành, Học viện đã và đang nỗ lực để trang bị kỹ năng mềm cho thế hệ sinh viên 4.0. Đây thực sự là yếu tố cần thiết đáp ứng nhu cầu việc làm đối với nhân sự hiện nay khi mà robot có khả năng thay thế mọi việc tuần hoàn và được cài đặt. Con người chỉ hơn robot khả năng sáng tạo, muốn khẳng định được giá trị không thể thay thế của mình thì phải luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng mới và không ngừng cải tiến nó bằng sự sáng tạo của mình. Đặc biệt, kỹ năng mềm quyết định lớn tới sự thành công, con người hơn robot ở sự uyển chuyển, chịu đựng, ngoại giao, tâm lý…Hi vọng rằng buổi tọa đàm hôm nay sẽ giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn và ngay lập tức tích hợp cho hành trang công việc của mình những kỹ năng thích nghi công việc trong tương lai.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung chia sẻ về các nội dung:
Định hình giá trị bản thân trong thị trường lao động; Đánh giá khả năng thích ứng của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam từ chính những doanh nghiệp đang sử dụng lao động là sinh viên Học viện; Tư vấn, định hướng cho sinh viên về cơ hội nghề nghiệp, các kỹ năng cần chuẩn bị và hoàn thiện để tìm kiếm việc làm; Thông tin cơ hội thực tập, việc làm từ các doanh nghiệp…

Các diễn giả đã chia sẻ rất nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sinh viên trước khi tham gia vào thị trường lao động cũng như việc làm thế nào để các em có thể thích ứng và phát triển một cách tốt nhất từ nền tảng đã được trang bị trong trường đại học. Kỹ năng đầu tiên các chuyên gia đề cập tới là khả năng thích nghi. Bằng đại học khẳng định chuyên môn, kiến thức của ứng viên nhưng nhà tuyển dụng lại rất mong đợi kỹ năng làm việc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ từ người lao động. Nổi bật như các kiến thức và kỹ năng mềm bổ trợ trực tiếp cho công việc thuộc 10 ngành đào tạo của Học viện.

Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh, dù học ngành nào, các bạn vẫn phải tạo cho mình sự khác biệt, nếu không có sự chuẩn bị năng lực, kỹ năng, bạn sẽ dần bị thay thế bởi ứng viên khác hoặc máy móc.

Các bạn sinh viên đã có cơ hội đặt câu hỏi về những băn khoăn, thắc mắc của mình về kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm mở rộng và tích lũy kiến thức, lộ trình trang bị thêm các ngoại ngữ phổ rộng như tiếng Anh, tiếng Trung, dự định việc làm, thị trường hiện tại và cơ hội phát triển bản thân…

Thay vì chỉ tập trung nạp nhiều kiến thức – điều đã có đã có Google, trí tuệ nhân tạo “nhớ”, Học viện Phụ nữ Việt Nam là một trong những trường đại học tập trung phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên. Đây là điều mà nhà tuyển dụng hiện nay rất quan tâm.

Buổi nói chuyện đã đem lại cho sinh viên góc nhìn sâu sắc hơn về những cơ hội và thách thức trong nghề nghiệp mà mình sẽ gặp trong tương lai cũng như biết một số chìa khóa có khả năng mở ra sự thành công trong sự nghiệp. Trên cơ sở đó, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ chuẩn bị tích cực hơn để chủ động tham gia và thích ứng với thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.

Hi vọng rằng, sau tọa đàm sinh viên Học viện sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng để hoạch định tương lai của mình đúng hướng, phù hợp với năng lực của bản thân và thị trường lao động hiện nay.