Kính thưa Đc Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Học viện,
Kính thưa Đc Bùi Thị Hồng, Trưởng ban Tổ chức, TW Hội LHPN Việt Nam.
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý,
Thưa các thầy giáo, cô giáo và toàn thể viên chức, người lao động!
Hôm nay, Học viện Phụ nữ Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) và chúng ta cũng vừa đón nhận Chứng nhận đạt kiểm định chất lượng 03 chương trình đào tạo hệ đại học. Lời đầu tiên cho phép tôi thay mặt Đảng ủy, BGĐ Học viện, cùng toàn thể giảng viên, viên chức, người lao động và sinh viên Học viện, nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, quý vị đại biểu, khách quý đã về dự Lễ kỷ niệm. Kính chúc các đồng chí lãnh đạo Hội, quý vị đại biểu và các thầy giáo, cô giáo luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý,
Có thể khẳng định “Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, thời nào, người thầy vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Xã hội dù có phát triển như thế nào đi nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp, gieo mầm thiện để nhân lên những điều thiện trong tâm căn mỗi học trò. Thầy, Cô là người truyền lửa ham học cho học trò, giúp học trò khám phá tri thức, khơi dậy trong các em những ước mơ, hoài bão để thổi bùng lên những khát vọng cao đẹp trong tương lai. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) đã chính thức được công nhận trên phạm vi cả nước từ năm 1982; trước đó, Ngày hiến chương các nhà giáo đã được tổ chức tại miền Bắc Việt Nam từ năm 1958. Từ đó đến nay, ngày Nhà giáo Việt Nam đã trở thành một ngày hội truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam cũng như của toàn xã hội; là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những cô giáo, thầy giáo; là ngày để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân với những người đã góp bao công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, xin biểu dương, đánh giá cao sự nhiệt huyết và đam mê nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo, cống hiến không mệt mỏi của các thầy giáo, cô giáo; góp phần quan trọng vào những thành công của Học viện trong năm học vừa qua, nhất là những kết quả ấn tượng trong năm 2023. Công tác đào tạo đại học, sau đại học ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp, chặt chẽ. Học viện đã tuyển sinh đạt chỉ tiêu với hơn 1600 tân sinh viên K11 với điểm đầu vào được cải thiện đáng kể so với những năm học trước. Trong lĩnh vực khoa học & công nghệ, gần 250 công trình khoa học đã được công bố, gần 50 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp được nghiệm thu, hơn 20 hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng đã hoàn thành chỉ trong 1 năm học. Hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục tiếp tục ghi dấu ấn với 3 chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, ngành Công tác xã hội và ngành Luật đã được đánh giá ngoài và đạt kết quả rất cao theo các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Bên cạnh đó, 3 ngành đại học khác cũng đang quyết liệt triển khai công tác tự đánh giá và quyết tâm triển khai đánh giá ngoài vào năm 2024. Trong công tác bồi dưỡng cán bộ, đào tạo lao động nữ, hơn 16.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ đã được Học viện cung cấp dịch vụ đào tạo ngắn hạn với hơn 220 lớp, trong đó có gần 2600 cán bộ Hội LHPN các cấp. Kế hoạch đến năm 2024 sẽ có khoảng 2 vạn phụ nữ được tham gia các khóa học trực tuyến miễn phí về khởi nghiệp kinh doanh. Đóng góp quan trọng vào những thành tích trên là do sự thay đổi nhanh chóng cả về chất lượng và số lượng thầy giáo, cô giáo đến với Học viện Phụ nữ Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, trong số hơn 220 nhân sự đang làm việc toàn thời gian tại Học viện thì có hơn 50 TS và PGS và gần 20 NCS. Bên cạnh các thầy giáo, cô giáo, đội ngũ cán bộ chủ chốt, viên chức và người lao động mảng hành chính cũng ngày đêm làm việc, cống hiến; góp phần làm cho cơ sở vật chất, tài chính, tài sản, hình ảnh Học viện không ngừng được cải thiện trong những năm qua. Xin được trân trọng cảm ơn, đánh giá cao những cống hiến của các thầy, cô và toàn thể viên chức, người lao động trong Học viện. Có được những thành tích ấn tượng trong thời gian qua, Học viện đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, nhất là cá nhân đồng chí PCT Hội kiêm Chủ tịch Hội đồng Học viện. Nhân dịp này, xin được thay mặt toàn thể viên chức, người lao động Học viện trân trọng cảm ơn sự định hướng, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện của các đc lãnh đạo Hội nói chung và cá nhân đồng chí PCT Hội Tôn Ngọc Hạnh.
Kính thưa các thầy giáo, cô giáo, viên chức và người lao động,
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, tác động phức tạp và đa chiều đến tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Trong những thay đổi đó, sự phát triển của công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo được đánh giá có tác động mạnh mẽ nhất đến phát triển giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Trí tuệ nhân tạo đang định hình lại tương lai của giáo dục đại học bằng cách thay đổi căn bản các phương pháp dạy và học, giúp cho giáo dục hiệu quả hơn, giáo dục được cá nhân hóa và dễ tiếp cận hơn rất nhiều so với trước đây. Trí tuệ nhân tạo làm cho mọi hoạt động giáo dục, quy trình dạy và học có thể được triển khai một cách tự động, đáp ứng tốt nhu cầu, sở thích và đo lường chính xác, nhanh chóng hiệu suất và sự tham gia của người học. Với các nền tảng học tập do trí tuệ nhân tạo cung cấp, sinh viên có thể nhận được phản hồi, đề xuất và tài nguyên tùy chỉnh dựa trên nhu cầu và sở thích riêng của họ. Điều này có thể dẫn đến kết quả học tập hiệu quả hơn và sự tham gia của sinh viên nhiều hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng AI trong giáo dục đại học cũng có nhiều hạn chế, thách thức, bao gồm việc đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy của việc sử dụng các ứng dụng AI, việc đảm bảo các giải pháp AI được thiết kế để phục vụ cho mục đích giáo dục và đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức và pháp lý. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra những yêu cầu ngày càng cao về học tập suốt đời, về sự sẵn sàng và tiên phong thay đổi, sáng tạo của các thầy giáo, cô giáo cũng như các nhà quản lý giáo dục. Học viện đã nhận thức được các vấn đề đó nên trong những năm gần đây đã không ngừng đầu tư hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đang quyết tâm hoàn thành trước thời hạn với kết quả tốt nhất Dự án chuyển đổi số; góp phần đạt được các kết quả chuyển đổi số trong Học viện một cách toàn diện, đồng bộ và hiện đại. Để đạt được các yêu cầu trên cũng như những mục tiêu trong năm học 2023-2024, tôi trân trọng đề nghị các thầy giáo, cô giáo, viên chức và người lao động quyết tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
Một là: tích cực, chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trong hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo vị trí việc làm; trong đó, cần xác định đúng, đầy đủ, ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, có phương pháp làm việc khoa học và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhất, năm sau đạt kết quả tốt hơn năm trước.
Hai là: đoàn kết, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các cá nhân, giữa các đơn vị trên tinh thần tuân thủ chặt chẽ quy trình công việc, quy chế, quy định và chủ động đề xuất, hoàn thiện cơ chế phối hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân, của đồng nghiệp cũng như của tổ chức. Mọi viên chức, người lao động luôn luôn có ý thức xây dựng văn hóa tổ chức, hình ảnh Học viện, góp phần làm cho Học viện đạt được các giá trị cốt lõi, triết lý giáo dục của Học viện một cách nhanh nhất, thực chất và bền vững.
Ba là: không ngừng học tập nâng cao trình độ, đặt trọng tâm vào nâng cao năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, học vị tiến sỹ, học hàm PGS để đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện mới của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu giảng dạy bằng tiếng Anh và tăng số lượng công bố quốc tế đạt chuẩn. Nhiệm vụ này đặt ra cao hơn, có tính bắt buộc hơn đối với cán bộ chủ chốt, trong quy hoạch và đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên.
Bốn là: luôn luôn quan tâm, nắm bắt nhu cầu, hỗ trợ tốt nhất cho người học; các giảng viên, cố vấn học tập luôn thể hiện rõ phẩm chất, cốt cách người thầy, kết hợp với thực hiện tốt phương châm “lấy người học làm trung tâm” để đảm bảo người học gắn bó hơn với Học viện, cải thiện ý thức học tập, rèn luyện; và đạt được tất cả các chuẩn đầu ra, năng lực làm việc đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới.
Năm là: tích cực tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng cũng như các hoạt động chung của Học viện, góp phần làm cho Học viện thực hiện tốt trách nhiệm xã hội với cộng đồng; kết nối và hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng.
Một lần nữa, xin kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công đến Đồng chí Tôn Ngọc Hạnh – PCT Hội LHPN Việt Nam, các quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo và viên chức, người lao động trong Học viện.
Trân trọng cảm ơn!