Tham dự chương trình làm việc có Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo; các Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Trần Lan Phương, Nguyễn Thị Minh Hương, Nguyễn Thị Thu Hiền; đại diện lãnh đạo các Ban thuộc TƯ Hội LHPN; Ban Giám đốc và cán bộ chủ chốt của Học viện.

Phát biểu định hướng buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, nội dung buổi làm việc tập trung vào các giải pháp tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Đồng thời, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội cũng nắm bắt tình hình hoạt động của bộ máy, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Học viện, các kiến nghị của Học viện về cơ sở vật chất, việc sáp nhập một số đơn vị thuộc Học viện và các định hướng trong thời gian tới.

PGS.TS. Trần Quang Tiến – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện đã báo cáo tình hình tổ chức và kết quả các hoạt động của Học viện trong thời gian qua

Học viện được thành lập vào năm 2012, kế thừa truyền thống 50 năm từ Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Với sứ mệnh đào tạo cán bộ nữ trong hệ thống chính trị và thúc đẩy bình đẳng giới, Học viện hướng tới mục tiêu trở thành cơ sở giáo dục ứng dụng hàng đầu vào năm 2030. Với những nỗ lực không ngừng của tập thể viên chức, người lao động kết quả nổi bật mà Học viện đại được trong giai đoạn 2012–2024 về các mặt là:

  • Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Học viện đã bồi dưỡng 47.793 lượt cán bộ nữ, thực hiện đào tạo chính trị và các chương trình hỗ trợ phụ nữ tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Các chương trình bồi dưỡng ngày càng ứng dụng công nghệ hiện đại với hơn 30.000 phụ nữ tham gia các khóa học trực tuyến.
  • Giáo dục đại học: Học viện triển khai 11 ngành đào tạo đại học, 4 chương trình thạc sĩ và 2 chương trình tiến sĩ. Quy mô đào tạo hiện đạt hơn 6.400 sinh viên, với tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp trên 80%; Công tác kiểm định chất lượng đạt chuẩn quốc gia, đưa Học viện lên thứ hạng 58/200 trường đại học Việt Nam năm 2023.
  • Nghiên cứu khoa học: Học viện là trung tâm nghiên cứu uy tín với trung bình 20 đề tài cấp cơ sở, 5 đề tài cấp bộ mỗi năm. Tạp chí khoa học của Học viện đã được công nhận bởi các hội đồng giáo sư liên ngành.
  • Hoạt động cộng đồng: Hơn 1.500 sinh viên và 150 giảng viên tham gia phục vụ cộng đồng hàng năm, với nhiều chương trình thiết thực như “Mái ấm tình thương” và “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.
  • Cơ sở vật chất và tài chính: Học viện đã hoàn thiện giai đoạn đầu chuyển đổi số, tự chủ tài chính và cải thiện thu nhập bình quân nhân sự gấp đôi so với 5 năm trước.
  • Về tổ chức, nhân sự: Tính đến tháng 10/2024, tổng số viên chức, người lao động đạt xấp xỉ 250 người, làm việc tại 19 đơn vị, bộ phận. Trong đó, tổng số giảng viên cơ hữu đạt hơn 180 người, với 8 PGS, hơn 60 TS; đảm bảo tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu viên đạt khoảng 70% tổng số nhân sự…

Bên cạnh đó Học viện cũng phản ánh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành. Từ đó, kiến nghị một số đề xuất với Thường trực Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam để hoạt động của Học viện đạt hiệu quả hơn.

Ban Giám đốc Học viện báo cáo tại buổi làm việc

Sau khi nghe báo cáo của Ban Giám đốc Học viện, cán bộ chủ chốt phụ trách một số lĩnh vực thuộc Học viện, đại diện lãnh đạo các ban thuộc TW Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Trần Lan Phương đã phát biểu về những đề xuất và giải pháp tăng cường sự phát triển trong thời gian tới của Học viện.

Phó Chủ tịch Trần Lan Phương phát biểu tại buổi làm việc

 Lãnh đạo các Ban thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam chia sẻ tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến khẳng định Học viện Phụ nữ Việt Nam là niềm tự hào của Hội với truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển. Chủ tịch nhấn mạnh, Học viện đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ chính trị các cấp. Quy mô đào tạo không ngừng mở rộng, với hơn 6.400 người học tính đến cuối năm 2024, cùng sự cải thiện đáng kể về điểm đầu vào của các ngành đại học. Học viện cũng đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học về giới và bình đẳng giới. Tuy nhiên, Chủ tịch cũng chỉ ra những thách thức mà Học viện đang đối mặt, bao gồm tỷ lệ sinh viên nghỉ học cao, năng lực công bố quốc tế và giảng dạy bằng tiếng Anh của đội ngũ giảng viên còn hạn chế. Đồng thời, nguồn thu tài chính chủ yếu dựa vào học phí với mức thu chưa cao, trong khi cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, đặc biệt là các hạng mục phục vụ thực hành. Đây không chỉ là khó khăn riêng của Học viện mà còn là thách thức chung đối với các trường đại học tại Việt Nam hiện nay.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận buổi làm việc

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, để khẳng định vị trí trong nền giáo dục, Học viện Phụ nữ Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu các lĩnh vực thế mạnh và chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu. Hướng đến mục tiêu lọt nhóm 50 trường đại học hàng đầu Việt Nam vào năm 2030, Học viện cần xây dựng chiến lược cụ thể, chuẩn bị nguồn lực và nâng cao năng lực nội tại. Đồng thời, Chủ tịch gợi ý một số giải pháp về phát triển cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, và định hướng đào tạo, đặc biệt trong việc sáp nhập trường Trung cấp Lê Thị Riêng.

Học viện Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc, định hướng quý báu của Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và Thường trực Đoàn Chủ tịch, cùng sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ từ các Ban thuộc Trung ương Hội. Đây là nguồn động lực to lớn để tập thể viên chức, người lao động Học viện tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục quốc gia.