PGS.TS Đinh Dũng Sỹ và TS. Kiều Thị Thuỳ Linh giới thiệu tóm tắt đề tài

Hội đồng nghiệm thu bao gồm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế và pháp luật:

  • PGS.TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng
  • PGS.TS. Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội – Phản biện 1
  • TS. Nguyễn Thị Yến, Trưởng Bộ môn Luật Thương mại, Trường Đại học Luật Hà Nội – Phản biện 2
  • TS. Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Chính sách – Luật pháp, Hội LHPN Việt Nam – Ủy viên
  • TS. Nguyễn Hùng Cường, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh, Học viện Phụ nữ Việt Nam – Ủy viên 

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề tài

PGS.TS. Lê Thị Thu Thuỷ, phản biện 1, đánh giá đề tài có chất lượng, đảm bảo tính mới và sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học. Bà nhấn mạnh các ưu điểm như: sự toàn diện trong cơ sở lý luận, đánh giá thực trạng và các giải pháp thiết thực cho phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ). Tuy nhiên, bà gợi ý nhóm nghiên cứu cần làm rõ sự khác biệt giữa khung chính sách và khung pháp luật, cũng như tập trung vào các giải pháp mang tính thực tiễn.

TS. Nguyễn Thị Yến, phản biện 2, đồng tình với kết quả nghiên cứu nhưng góp ý về phương pháp trình bày, tính chặt chẽ trong cách triển khai và khả năng áp dụng của các kiến nghị. Bà lưu ý việc xây dựng Nghị định điều chỉnh KTBĐ cần cân nhắc tránh chồng chéo và thiếu khả thi.

TS. Đàm Thị Vân Thoa, ủy viên, đánh giá cao tính công phu của đề tài trong việc khảo sát thực địa, phân tích chính sách và kinh nghiệm quốc tế. Bà khuyến nghị đề tài nên chú trọng hơn vào các chính sách đặc thù theo địa phương, ví dụ như sử dụng Luật Thủ đô để phát triển KTBĐ tại Hà Nội.

TS. Nguyễn Hùng Cường, ủy viên, khen ngợi sự sáng tạo của nhóm nghiên cứu trong tiếp cận kinh tế ban đêm dưới góc độ pháp lý. Ông góp ý đề tài cần bổ sung phân tích cụ thể hơn về đóng góp của KTBĐ trong nền kinh tế Việt Nam và các yếu tố tác động từ thực tiễn.

PGS.TS. Trần Quang Tiến, Chủ tịch Hội đồng, kết luận rằng đề tài có nhiều điểm mới, khó khăn do thiếu số liệu nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học và thực tiễn cao. Ông nhấn mạnh cần phân tích sâu hơn về thực trạng và các yếu tố tác động để đề xuất chính sách khả thi, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu.

Hội đồng nghiệm thu nhất trí thông qua đề tài và đánh giá cao các nội dung nghiên cứu:

  1. Xác định rõ bản chất, khái niệm KTBĐ, các yếu tố ảnh hưởng.
  2. Đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật và chính sách điều chỉnh KTBĐ tại Việt Nam.
  3. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế từ các thành phố lớn như New York, London, Tokyo, Singapore và rút ra bài học phù hợp.
  4. Đề xuất khung chính sách và pháp luật khả thi nhằm phát triển KTBĐ bền vững.

Kinh tế ban đêm đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, và phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển KTBĐ tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế do khung pháp lý chưa hoàn thiện. Đề tài nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn cung cấp cơ sở thực tiễn giúp các cơ quan quản lý xây dựng chính sách hiệu quả hơn. Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao tính thực tiễn, sự toàn diện và ý nghĩa khoa học của đề tài. Đây là một thành quả quan trọng của Học viện Phụ nữ Việt Nam, góp phần vào việc phát triển bền vững kinh tế ban đêm, nâng cao vị thế quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.