Hội thảo có sự tham gia của trên 200 đại biểu là nhà khoa học, học giả, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh từ các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, các nhà quản lý, hoạt động xã hội, các doanh nhân từ các tổ chức trong nước và quốc tế (Philippines, Indonesia, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Rumani…) theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến trên hai nền tảng Zoom và Teams.

Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường quyền năng kinh tế của Phụ nữ tại châu Á gọi tắt là chương trình WeEmpowerAsia do Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức.

Trước khi hội thảo diễn ra, ban tổ chức đã nhận được 50 bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đóng góp vào kỷ yếu hội thảo tập trung vào các nội dung: Các vấn đề lý luận, chính sách, pháp luật về phụ nữ, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, doanh nhân nữ trong hệ sinh thái khởi nghiệp, các vấn đề giới trong khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…và lựa chọn 25 bài viết để đăng trong kỷ yếu hội thảo.

Phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh: Tôi hy vọng, hội thảo sẽ góp phần tìm ra những ý tưởng nhằm tăng cường năng lực cho phụ nữ khởi nghiệp, thích ứng, chuyển mình cũng như phát triển mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh bình thường mới. Đồng thời tìm ra giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp để tạo thêm việc làm, thu nhập, giải quyết khó khăn, tháo bỏ những rào cản hiện hữu nhằm thúc đẩy cho sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, đồng thời hưởng ứng hành động vì bình đẳng giới.

 

Tại hội thảo, bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng Cơ quan của Liên hợp quốc về Phụ nữ và bình đẳng giới (UN Women) tại Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao quyền năng của phụ nữ. UN Women luôn nỗ lực phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và hội thảo ‘Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh bình thường mới‘ chính là nhịp cầu nối giữa các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và tất cả những ai quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới nói chung và thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp nói riêng. Đặc biệt trong bối cảnh Covid – 19, những khó khăn xảy ra trên toàn cầu cũng chính là một phép thử để chúng ta củng cố niềm tin và cùng chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp nữ dám khẳng định bản lĩnh và thể hiện nội lực, nhiệt huyết của mình.

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam – thông tin: Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 26,5% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, cứ 4 doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam có 1 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Nữ giới đóng góp tới 40% của cải của nền kinh tế Việt Nam.  Tuy nhiên, thực tế phụ nữ Việt Nam còn gặp nhiều rào cản, thách thức trong phát triển bản thân, nhưng lại rất có lợi thế trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Ở khía cạnh khác, chúng ta nhìn nhận vai trò của các lãnh đạo nữ trong chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình đương đầu với đại dịch, duy trì đà tăng trưởng hoặc khởi nghiệp trong giai đoạn thách thức này. Không chỉ kinh doanh thành công, các doanh nghiệp và start-up do phụ nữ lãnh đạo còn rất quan tâm đến việc chung tay giải quyết các thách thức xã hội do Covid-19 gây ra.

Hội thảo được chia làm 3 phiên và tập trung vào 04 chủ đề cơ bản là: Phụ nữ khởi nghiệp – Cơ hội và thách thức trong bối cảnh bình thường mới; Chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể do phụ nữ làm chủ thành doanh nghiệp – từ chính sách đến thực tiễn; Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và đổi mới sáng tạo; Các nội dung khác liên quan đến phụ nữ và khởi nghiệp.

7 bài trình bày được lựa chọn từ trên 50 bài viết và 25 báo cáo khoa học có chất lượng tốt của các học giả, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã được trình bày tại hội thảo. Các bài trình bày xoay quanh nội dung gần gũi, thiết thực với phụ nữ khởi nghiệp như: Triển vọng kinh doanh và thách thức đối với phụ nữ trong thời kì Covid-19; Sự tham gia của phụ nữ người dân tộc thiểu số trong chương trình OCOP trong bối cảnh 4.0; Doanh nhân trong việc thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh kỹ thuật số ở Indonesia dựa trên quan điểm đa ngành; Khai thác tiềm năng của các nữ doanh nhân dân tộc thiểu số…

Các đại biểu tham dự hội thảo đã có những trao đổi sôi nổi và thiết thực về những nguyên nhân, thách thức và phương án hỗ trợ tháo gỡ những rào cản đặt ra đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ. Không chỉ vậy, với những minh chứng thực tế từ các trường hợp nghiên cứu chủ động, linh hoạt biến “nguy” thành “cơ” trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 và vững vàng phát triển trong giai đoạn hậu Covid đã tiếp thêm niềm tin, hi vọng về thế hệ phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp đầy bản lĩnh, sáng tạo và linh hoạt.

Hội thảo khoa học quốc tế được diễn ra thành công tốt đẹp và góp phần khẳng định tầm quan trọng và đóng góp to lớn của doanh nghiệp do nữ làm chủ trong nền kinh tế. Sự thành công, hạnh phúc của phụ nữ cũng chính là một trong những tiêu chí quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển bền vững và công bằng.