Tham dự buổi tọa đàm có TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cùng toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên của học viện. Đặc biệt, nhân dịp này, học viện còn đón chào vị khách mời đặc biệt đến chia sẻ về chủ đề sách và văn hóa đọc sách là anh Đinh Tiến Dũng (Giáo sư Cù Trọng Xoay) – Giám đốc sáng tạo Truyền hình FPT.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giám đốc Trần Quang Tiến một lần nữa khẳng định ý nghĩa của việc đọc sách: sách là kho tàng tri thức của nhân loại, là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người.
Sách có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống con người, giúp con người khai sáng trí tuệ và là kênh quan trọng để con người trao truyền tri thức cho nhau. Đọc sách không chỉ để thư giãn. Sách khiến chúng ta phải ngồi lại suy ngẫm, cho ta kiến thức, liên tưởng… và cho ta nhìn lại quá khứ. Sách chính là kho tàng tri thức được đúc kết qua dòng thời gian của lịch sử. Qua sách, chúng ta có thể trở về quá khứ, nhìn lại chính mình và rồi tiếp bước đến tương lai. Thông qua việc hưởng ứng các hoạt động về Ngày sách Việt Nam, TS.Trần Quang Tiến hi vọng mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên sẽ có những hiểu biết đầy đủ, sâu sắc hơn về Ngày Sách, tác dụng của Sách và việc đọc sách nhằm phát triển văn hóa đọc, hướng tới xây dựng xã hội học tập trong môi trường học viện.
Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sách “Đọc muôn cuốn sách, đi muôn dặm đường” đã khẳng định giá trị và tầm quan trọng của việc đọc sách. Bản thân Người chính là một tấm gương tự học vĩ đại nhất. Người không được học qua trường lớp nào nhưng Người đã tự học trong cuộc sống và trong sách. Người là kết tinh văn hoá của nhân loại. Với sự hiểu biết sâu rộng, với nhân cách cao đẹp và phẩm chất văn hoá của Người, Bác Hồ của chúng ta đã vinh dự, và dân tộc Việt Nam ta vinh dự có CT Hồ Chí Minh đã được tổ chức Văn hoá GD của Liên hợp quốc (UNESCO) đã suy tôn danh hiệu Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới.
Cùng khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách và giá trị vô cùng mà sách mang lại cho mỗi người, bằng phong cách dí dỏm, hài hước vốn có, diễn giả Đinh Tiến Dũng đã có buổi nói chuyện rất ấn tượng đối với cán bộ, sinh viên học viện.
Chia sẻ về mối duyên tìm đến với sách từ những ngày còn đi học, diễn giả hi vọng những câu chuyện thực tế từ bản thân sẽ đem đến cho mọi người những góc nhìn thú vị về giá trị thực tiễn và tinh thần mà sách mang lại. Với anh, những trang sách sẽ giúp mỗi người nuôi dưỡng và phát triển trí tưởng tượng. Nếu như truyện tranh giúp ta có thể nhìn thấy những hình ảnh thì những trang truyện toàn chữ sẽ buộc ta phải tưởng tượng. Sau khi đọc xong, mỗi người nên gập trang sách lại và hãy để cho trí tưởng tượng bay xa. Cùng với việc đọc để tích lũy kiến thức thì trí tưởng tượng còn giúp chúng ta sáng tạo nên những sản phẩm của riêng mình.
Diễn giả cũng không quên chia sẻ với các bạn trẻ những kinh nghiệm của bản thân để có thể đọc sách hiệu quả nhất. Đó là cách đọc có ghi chép lại, đọc phải tư duy, nghiền ngẫm. Bên cạnh việc đọc nhiều, bạn cũng cần viết nhiều hơn.
Sau phần giao lưu với khán giả qua các câu hỏi, Giáo sư Xoay muốn truyền đến các bạn thông điệp quý giá về việc đọc sách và hình thành văn hóa đọc trong giới trẻ: “Thêm một điều tôi nói với các bạn, tôi không dám chắc là chúng ta có kiếp sau hay không nhưng chúng ta không thể sống được nhiều cuộc đời, chúng ta càng không thể sống cuộc đời vương giả trong những lâu đài, cuộc đời nô lệ, cuộc đời của những người du hành ngoài biển khơi hay trên tàu…Nhưng chúng ta có thể biết được những cuộc sống ấy thông qua đọc. Đọc sách cũng là cách để chúng ta biết thêm nhiều cuộc sống khác, sống thêm nhiều cuộc đời khác. Nếu như không đọc sách, chúng ta chỉ sống cuộc đời của chính chúng ta, có sinh ra, lớn lên và chết đi mà thôi”.
Buổi tọa đàm Ngày sách và Văn hóa đọc với chủ đề: “Đọc muôn cuốn sách, đi muôn dặm đường” cùng những chia sẻ của diễn giả Đinh Tiến Dũng đã khơi gợi tinh thần yêu sách, đọc sách của cán bộ, sinh viên đồng thời thêm một lần nữa khẳng định: Sách là kho tàng tri thức là tài sản vô giá của nhân loại.