Buổi nói chuyện do tổ chức Công đoàn, tổ chức Hội Phụ nữ và Ban Gia đình Xã hội – TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 15/3/2016 chào mừng Ngày Quốc tế hạnh phúc có sự tham dự của Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; lãnh đạo, cán bộ, viên chức của  các Ban, đơn vị thuộc TW Hội LHPN Việt Nam. 25 hội viện Hội Phụ nữ Học viện đã cùng tham gia sự kiện này.

Tại buổi nói chuyên, Đại đức Thích Quảng Phú đã ôn lại lịch sử ngày Quốc tế hạnh phúc.

Ngày 28/2/2012, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết lấy ngày 20/3 hàng năm là Ngày Hạnh phúc cho toàn thế giới theo đề xuất của Vương quốc Phật giáo Bhutan  Himalaya. Tuy là một quốc gia đang phát triển có tổng sản phẩm quốc nội thấp nhưng  Bhutan lại là một trong những quốc gia có chỉ số hạnh phúc hàng đầu Thế giới. Đối với vương quốc Bhutan, cách thức để đánh giá sự thịnh vượng của xã hội là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia. Chỉ số hạnh phúc này được tính toán dựa trên các chỉ số về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lí và mức sống của người dân.

Ngoài ra, việc Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, còn vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên độ dài ngày và đêm bằng nhau. Điều này là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực…

Theo Đại đức Thích Quảng Phú, quan niệm về hạnh phúc và giá trị của nó ở mỗi người thường không giống nhau. Mỗi cá thể sống trong thế giới này đều có những mưu cầu riêng để đem đến hạnh phúc cho bản thân. Hạnh phúc với người này là một sức khỏe tốt, một sự nghiệp như ý, một gia đình ấm cúng và những bạn hữu chí tình, hạnh phúc với người khác có thể lại là sự đầy đủ về vật chất, sự mãn nguyện về địa vị, hạnh phúc với ai đó lại có thể chỉ giản đơn là có một công việc tốt để làm, có người để yêu thương, có chốn bình yên để đi về…Xét một cách khái quát thì đa số quan niệm hạnh phúc là: Sự hài lòng về cuộc sống vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, sự hài lòng của mỗi người lại không tuân theo một tiêu chuẩn chung bởi sự khác nhau về tính cách, nhận thức. Và ngay trong một con người ở mỗi thời điểm họ lại có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc.

Đại đức cũng chia sẻ, hạnh phúc không phải là việc đeo đuổi theo tiền tài, danh vọng hay những lời ca tụng, sự ngọt ngào, âu yếm, những thứ ấy chỉ làm cho tâm con người quay cuồng trong vòng xoay sinh tử, không biết bao giờ ngưng nghỉ, và tạo thêm khổ đau. Nếu hạnh phúc bắt nguồn từ lòng tham ái thì đau thương và thù hận sẽ luôn vây quanh. Khi mỗi người biết cảm nhận hạnh phúc cá nhân sẽ biết vun vén cho hạnh phúc gia đình từ đó xây dựng hạnh của dòng họ và hi sinh cho hạnh phúc quốc gia.

Theo quan điểm Phật pháp, hạnh phúc thuộc về nhận thức. Hạnh phúc đến khi mỗi người biết phóng thích sự bực dọc, biết tâm đang bị khổ đau, biết theo  đuổi  ước mơ và thỏa  mãn với ước mơ nhưng tỉnh táo để khắc chế tham vọng. Hạnh phúc trong Phật giáo là sự từ bỏ “tham ái, chấp trước”, trong khổ đau vẫn thấy an vui, hạnh phúc, không vướng bận u sầu ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Và khi “tự tại giữa khổ đau; ung dung trong ràng buộc” tâm mới an, trí mới sáng để yêu thương nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn và đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời. Hạnh phúc là điều giản dị ấy, được sống bằng trái tim chân thật, được cống hiến bằng nhiệt huyết và được đón nhận yêu thương đến một cách tự nhiên.

Sau khi lắng nghe những chia sẻ của Đại đức Thích Quảng Phú, thành viên tham gia đã xin được giải đáp thêm về những vấn đề còn chưa thấu đáo như: mối quan hệ giữa hạnh phúc cá nhân với gia đình, dòng họ và quốc gia; sự liên quan của những phong tục lễ cúng truyền thống với sự hạnh phúc ở hiện tại; việc xác định và khắc chế lòng tham, sân, si ở mọi hoàn cảnh…

Những lời giảng của Đại đức đã giúp mỗi người thấm thía hơn về hạnh phúc và những vấn đề liên quan. Con người mải mê đi tìm hạnh phúc, giống như con cá sống trong nước nhưng luôn cảm thấy khát nước. Chân lý về hạnh phúc giản đơn biết chừng nào. Cỏ cây hoa lá đâm chồi nảy lộc thì biết ơn ánh nắng mai, cơn mưa rào, người chăm bón. Con người sống trong cuộc đời này cần biết ơn lịch sử, báo ơn hiện tại và vun trồng cho một tương lai tốt đẹp. Hạnh phúc sẽ chan hòa tự khi nào khi mỗi cá nhân cảm nhận sâu sắc về những gì mình cho đi và trân trọng tất cả những gì ta nhận được. Hạnh phúc là sự bình an tự trong tâm của mỗi chúng ta.

Bài thơ của Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Thanh Vân sau khi lắng nghe buổi nói chuyện chuyên đề Giá trị Hạnh phúc:

HẠNH PHÚC

                                                                                               Hạnh phúc là gì ấy nhỉ

                                                                                                Mà sao ta mãi đi tìm

                                                                                                Hạnh phúc chuyển động, lặng yên?

                                                                                                Để ta tìm hoài, tìm mãi…

Cuộc đời đâu phải riêng ta

Thương yêu, chia sẻ gấp ba, bốn lần

Hạnh phúc mãi mãi mùa xuân

Chỉ khi ta biết trọng THÂN, hiểu NGƯỜI

Hạnh phúc đi – đến bất ngờ

Mong manh, ảo diệu, ước mơ đời thường

Điều đơn giản nhất – yêu thương

Chung tay chia sẻ từng ngày từ tâm

Hành trình hạnh phúc thăng trầm

Xóa bỏ phiền não, thảnh thơi, an nhàn

Vượt qua hết thảy gian nan

“Tâm bất động giữa dòng đời sôi động”

CHO đi tất cả yêu thương,

NHẬN về hạnh phúc Thiện tâm sáng ngời